Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

TẶNG CHÁU MINH CHÂU(con gái Lê Ngọc Lập)

  Chú nghe con giỏi nhất lớp văn
Cô Đàm Nguyên Đức tặng bằng khen
Con hãy ráng đọc thêm nhiều sách
Thả hồn theo cung bậc... gió trăng.

Con hãy viết nhật ký mỗi ngày
Làm thơ nhí nhảnh được càng hay
Văn chương chẳng dễ ai bầu bạn
Tuổi trẻ hồn nhiên tung cánh bay.
            (chú Phạm đăng Quỳnh)

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

TRÔNG NGƯỜI RỒI NGẪM ĐẾN TA


      Chỉ còn hơn một tháng nữa là mỗi người chúng ta thêm một tuổi.Ngày xưa cứ đến độ này hàng năm là nghe lòng háo hức,mong cho mau đến tết để được nghỉ học,được mặc quần áo mới.Bây giờ nghe tết đến là lo,nỗi lo của những người đã ở bên kia triền dốc của cuộc đời:

    “Những nếp nhăn đã hằn trên đuôi mắt
 Tóc bồng bềnh bắt gặp điểm sương
Dẫu hiểu ra ý nghĩa của vô thường
                           Sao vẫn thấy cuộc đời trôi nhanh quá”(Hoàng Phúc)


      Vâng,vô thường,không có cái gì trên đời này là trường tồn vĩnh viễn.Vạn vật luôn đổi thay(thành,trụ,hoại,không)thì con người làm sao tránh được cái quy luật sinh,lão,bệnh,tử của tạo hoá?Nhận thức được điều này chúng ta sẽ không cảm thấy bất ngờ nếu như cái toa thuốc năm nay xuất hiện trong nhà nhiều hơn những năm trước.

       Điều đáng nói ở đây là chúng ta đang sống trong giai đoạn có quá nhiều biến cố về chính trị,thiên nhiên và kinh tế.Những biến cố đó ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của mỗi gia đình nhỏ chúng ta.
       Mười năm trước,cả thế giới bàng hoàng nghe tin ông trùm khủng bố Osama Bin Laden đánh một đòn trí mạng vào nước Mỹ.3000 người đã chết.Toà tháp đôi của trung tâm thương mại thế giới ở New York tan tành trong phút chốc.Biểu tượng cho sức mạnh tài chính và văn hoá của nước Mỹ sụp đổ trước sư sửng sốt của người Mỹ.Lịch sử nước Mỹ bước sang một trang mới.Niềm tự hào của người Mỹ bị giễu cợt.Nước Mỹ gia tăng chi tiêu quốc phòng.Quân đội Mỹ tấn công vào Iraq và Afghanistan.Thêm hang ngàn lính Mỹ bỏ mạng trên hai chiến trường này.Nền kinh tế Mỹ sa sút,rơi vào suy thoái.Nước Mỹ trở thành con nợ lớn nhất toàn cầu.Siêu cường số một về quân sự bị tấn công tại lãnh thổ của mình.Siêu cường số một về kinh tế phải loay hoay với việc bị hạ bậc tín nhiệm và vỡ nợ kỹ thuật.

       Một con hổ mới của Á châu vừa tỉnh giấc sau giấc ngủ mê man,trường kỳ đã nhe nanh vuốt gầm gừ đe doạ hết thảy lân bang láng giềng,trong đó có Việt nam.Con hổ ấy đã giành được vị trí số hai siêu cường kinh tế và đang vươn vai đứng dậy với khá nhiều tham vọng.

       Một làn sóng những cuộc biểu tình đòi dân chủ quy mô lớn đã nổ ra trên một số quốc gia Trung đông làm sụp đổ hàng loạt các chính phủ độc tài như Tuynidi,Ai cập,Libi,…Mùa xuân Ả rập đang là niềm cảm hứng của người dân các xứ sở độc tài còn sót lại trên thế giới.

       Cựu siêu cường kinh tế số hai thế giới vừa trải qua đại thảm hoạ thiên nhiên kinh hoàng:một trận động đất với cường độ 9 độ Richter(lớn nhất trong vòng 140 năm qua ở Nhật bản) với sóng thần cao 10m quét qua các làng mạc và thị trấn ven biển, làm cho 16000 người chết,gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy điện Fukushima Daiichi số 1,khiến hàng trăm ngàn người phải sơ tán,thiệt hại vật chất ước tính khoảng 300 tỉ đô la.

       Nước láng giềng Thái lan vừa kinh qua một cơn đại hồng thuỷ lịch sử 50 năm,kéo dài hơn ba tháng trời,làm ngập 61/77 tỉnh thành,làm chết hơn 600 người,ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của 8,2 triệu người,thiệt hại ước tính trên 36 tỉ đô la.Thảm hoạ lũ lụt này còn là thử thách và đe doạ sinh mệnh chính trị của người đẹp,tân thủ tướng Thái lan,bà Yingluck Shinawatra.

       Khi tôi ngồi gõ những dòng chữ này thì bên trời Âu,cuộc khủng hoảng nợ công đang đến hồi đỉnh điểm.Hết Ireland đến Hy lạp,rồi Italia,Tây ban nha,…đang bị áp đặt các biện pháp kinh tế khắc khổ.Cả châu Âu đang trên bờ vực phá sản.

       “Trông người rồi ngẫm đến ta”.Hiện chúng ta cũng đang sống trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn.Lạm phát đang hạ thấp mức sống của từng gia đình.Lạm phát đang ảnh hưởng đến từng bữa ăn của người lớn,từng ly sữa của em bé.Chúng ta không hề quan tâm đến những lời hứa lạm phát sẽ là một hay hai con số,nhưng chúng ta không thể không cảm thấy âu lo trước những dự tính tăng giá của các mặt hàng thiết yếu như điện,xăng dầu,sữa,…

        Chỉ trong năm nay cả nước có hơn 50000 doanh nghiệp phá sản,không biết trong đó có doanh nghiệp nào của anh em chúng ta không?Nhìn về viễn cảnh gần nhất là năm 2012 vẫn chưa thấy có gì sáng sủa.Còn lạm phát là còn thắt chặt tiền tệ,và như vậy thì lãi suất ngân hàng vẫn cứ “trên trời”,sản xuất kinh doanh làm sao phát triển?
                                                                      (Phạm Đăng Quỳnh)
      
                                                                                                                                                                                                                                 


Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Kính tặng hương hồn thầy Nguyễn Xuân Thanh


Thầy kính yêu!
Khi em ngồi viết những dòng chữ này, ngoài kia các cháu học sinh bé nhỏ đang đi tặng hoa cho thầy cô giáo.Đường phố cũng đầy hoa như những ngày lễ hội lớn.Ngày nhà giáo Việt nam đã về. Ôi thắm thoát mà đã ba mươi năm xa thầy!Lũ trẻ tinh nghịch ngày xưa của thầy đâu biết rằng:đó là lần thầy trò ta chia tay vĩnh viễn?

Em còn nhớ như in một buổi chiều tháng năm ba mươi năm trước,trong khi lũ trẻ bịn rịn trước giờ xa bạn,xa trường thì khuôn mặt thầy lại rạng rỡ,tươi vui hơn mọi ngày.Thầy vui chắc vì thấy những “quả ngọt” trong cuộc đời”trồng người”của mình.Thầy vui chắc vì thấy chúng em phần nào chững chạc,lớn khôn.Thầy vui như niềm vui của người lái đò đưa khách sang sông.Nụ cười tiễn biệt như một niềm khích lệ lớn lao cho những ai đi qua dòng sông tri thức,như một chút an ủi nhỏ nhoi cho người đưa đò thầm lặng.

Nhưng thầy ơi! Đâu biết rằng,niềm vui đó là điềm báo thiêng liêng, là tiếng nói của định mệnh trớ trêu!Không lâu sau đó thầy đã ra đi sau một cơn bạo bệnh.

Biết nói gì hơn?Nghĩa thầy trò “ấm áp như tình cha,bao la như tình mẹ”.

Ngày xưa,trong giờ học thầy khá nghiêm khắc nhưng trong sinh hoạt ngoại khoá thầy lại là người rất cảm thông,chia sẻ.Cái thời “nhặt tí phân rơi,dọn từng ngọn lá”đã vùi dập thầy trò ta tơi bời dưới vũng lầy nghèo khổ.Làm sao em quên kỷ niệm về những đêm trực trường cùng thầy nướng khoai lang ăn đỡ đói?Làm sao em quên những ngày tháng cùng thầy đi lao động bắt buộc vất vả cơm đùm cơm nắm bụng không đủ no?Làm sao em quên những ngày nhà giáo năm xưa không có cả hoa để tặng thầy mà thầy vẫn vui?Làm sao em quên những ngày mùa đông lạnh giá, thầy khuyên nên mặc áo len cho đỡ rét chúng em chỉ biết cười,rồi thầy cũng chẳng trách,chắc thầy cũng thuộc câu hát:’quê tôi nghèo lắm ai ơi,mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn”?

Thầy đã ra đi,mái trường xưa giờ đẹp đẽ khang trang hơn,con đường xưa giờ to rộng phẳng phiu hơn,nhưng trong ký ức học trò của thầy,cảnh cũ người xưa vẫn còn đó.Người ra đi dẫu có an lòng thì kẻ ở lại trong nỗi tiếc thương vẫn như thấy có bìm leo,giậu đổ.

Thầy đã ra đi,như hạt bụi lẻ loi,còn”hạt bụi nào rơi trên bục giảng”,còn”hạt bụi nào vương trên tóc thầy”?

Thầy đã ra đi,theo gió theo mây,xin được làm cánh chim tung cánh cao bay .Chim hót véo von ấm lòng người  về nơi chín suối.

Thầy đã ra đi,xin được đốt nén nhang lòng dâng lên hồn thiêng của Người,thay cho lời tri ân của hết thảy học trò ba mươi năm về trước.

Thầy đã ra đi,cánh hoa mừng ngày nhà giáo năm nay xin được dâng về miền đất lạnh.

Thầy đã ra đi,về với trời đất ,nơi cát bụi nhạt nhoà,hư ảo;nơi dấn thân số kiếp con người.Xin cầu nguyện cho linh hồn thầy được thanh thản ở cõi thiên đàng, ở miền cực lạc.
                                                          (Phạm Đăng Quỳnh)

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

BA MƯƠI NĂM


Ba mươi năm giã biệt mái trường
Xa hình bóng cũ, nhớ người thương
Xa thầy,nhớ bạn bè lưu lạc
Trời nam đằng đẵng kiếp tha hương.

Ba mươi năm dĩ vãng hẹn hò
Những tình thư cũ nhuốm màu tro
Anh đem nhung nhớ vào kỷ niệm
Chan chứa tình yêu tuổi học trò.

Anh níu thời gian để nhớ em
Khỏi hoài bao giấc mộng đêm đêm
Anh đem thi tứ hoà men đắng
Cho cuộc đời say lại say thêm.

Hoa phượng rơi đẫm lệ chiều hè
Em về thổn thức nắng vàng hoe
Cổng trường đóng lại là ly biệt
Đau đớn lòng anh những tái tê.

Ba mươi năm rong ruổi đường đời
Nắng hồng rực rỡ lẫn mưa rơi
Cuồng phong bão táp và giông gió
Vẫn nhớ về em mãi- em ơi!...
                  (Phạm Đăng Quỳnh)

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

HOÀI NIỆM MÙA THU


Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng.

Hình ảnh những chiếc lá thu “xào xạc” trên con đường làng quê ta ngày xưa đã đi vào ký ức. Gió bụi thời gian đã cuốn chúng theo đến tận miền biên viễn. Mấy hôm nay, cứ mỗi sớm ra đường, nhìn cái màu vàng đỏ lòe lẹt từ các cửa hiệu bán bánh trung thu, tôi bồi hồi nhớ lại những mùa thu cũ. Mùa thu của tết trông trăng, mùa thu có chị Hằng, mùa thu có ánh “trăng vàng thổn thức”.

Mùa thu là sự giao ban của đất trời. Một chút nắng nhẹ nhàng thay thế cái tiết trời oi ả. Một thoáng đượm buồn nhìn chiếc lá rơi ta cảm nhận sự giao thoa giữa con người và thiên nhiên chung cái quy luật của tạo hóa: sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng, mùa thu không phải là mùa của sự sa ngã, hủy diệt; bước chuyển mình mát mẻ của thiên nhiên biết đâu là cơ hội làm xao động lòng người với những nghĩ suy tích cực về lẽ sống, về cuộc đời, để có một sự khởi đầu mới vươn đến khung trời: chân, thiện, mỹ.

Tết trung thu em rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường

Ôi! Đâu còn nữa!Đã lâu lắm rồi,từng mùa thu đi qua đời tôi một cách dửng dưng và trách móc.Tuổi thơ của chúng tôi trong thời buổi chiến tranh vội vàng qua mau để giú ép những măng non năm nào trở thành người lớn một cách bất đắc dĩ.Tôi vẫn còn nhớ như in những cái tết trung thu mà lũ trẻ chúng tôi đếm từng ngày để được nhà trường(tiểu học cộng đồng Tư Duy)phát bánh kẹo.Những chiếc bánh nhỏ nhắn(không lớn và đắt tiền như bánh trung thu bây giờ)nhưng mang theo nhiều thông điệp:sự quan tâm của người lớn đến với chúng tôi rất nhiều.Cứ mỗi rằm tháng tám,chúng tôi mang những chiếc lồng đèn tự làm của mình đến trường cho cô giáo chấm,rồi được ăn bánh trung thu cũng như vui hát mãi đến tối mới về thì chiếc lồng đèn cũng rách te tua theo mùa trung thu ra đi,để lại trong lòng trẻ chúng tôi những cảm xúc buồn vui khó tả.

Tết trung thu ở quê mình hồi đó sặc mùi bom đạn nhưng cũng thắm đượm niềm vui ,cái niềm vui tuy gắng gượng nhưng vô tư, thực tình của người làng quê sau mùa gặt lúa hè.Dưới ánh trăng thanh,có nhịp chày giã cốm,có tiếng nô đùa của con trẻ và còn lại là những lời hàn huyên,tâm sự của các mẹ,các chị khi chồng vắng nhà.Ánh trăng về với làng quê thôn dã( không có điện) như một sự ban phát của thiên nhiên,như một lời ru hiền hòa của tạo hóa.

Hơn ba mươi mùa trung thu,gần nửa quãng đời người phải nặng gánh lo toan ,có lúc chưa được cho mình phải ra sức cưu mang….Trong tôi giờ như đã chai sạn.Hơn mười tuổi đầu,vừa đi học tôi phải vừa là lao động chính.Nghèo đói và gian khổ không đồng hành với sự xa xỉ như vui tết trung thu.Những mùa thu tiếp nối những mùa thu,rồi lòng người cũng man mác như thu.

Ngày xưa vua Đường Minh Hoàng nhân tết trung thu mà thiên du nguyệt điện,say khúc Nghê Thường.Bởi vì vua nên được như vua.Còn ta đâu phải là vua…

Ánh trăng thanh của mùa trung thu vằng vặc,huyền ảo,như cái nỗi lòng của tiếng thu,của tiếng buồn mênh mông ,xa vắng.Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết:

Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi

Chỉ còn một nửa trăng thôi vì lòng người đã vội quên trăng,vì loài người đã vội bỏ trăng.Trăng sẽ hờn,sẽ tủi,nhưng xin trăng đừng ngoảnh mặt,trăng hãy cứu loài người:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nữa rồi
Cung Quế đã ai ngồi đó chửa?
Cành đa xin chị nhấc lên chơi(Tản Đà)

Phạm đăng Quỳnh(viết nhân mùa trung thu 2010)

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

NHỚ NGOẠI

Đêm nay Sài sòn se lạnh
Nghe đâu ngoài kia gió bắc về
Lòng con lại bồi hồi nhớ Ngoại
Mười năm rồi,Ngoại đã ra đi.

Thoáng hiện trong con đôi giỏ tre Ngoại gánh
Tấm lưng còng nhất quyết theo con
Bàu Đĩa rồi Bàu Ta,lòng Ngoại cũng héo hon
Vợ chồng con không nuôi nỗi Ngoại...

Chúng con ra đời thời buổi khó khăn
Rau muống xanh ngời tràn ngập bữa ăn
Thị trấn ngày xưa có căn nhà lụp xụp
Bốn con người vô sản sống thành quen.

Rồi chúng con đi,Ngoại phải đành ở lại
Phương trời xa nào biết ra sao?
Ngoại kêu than thấu tận trời cao
Nhưng lần đó là lần con đi biệt.

Con vẫn biết,Ngoại ơi con vẫn biết
Ngoại thương con chỉ muốn ở với con
Nhưng Ngoại ơi! nghìn dặm nước non
Con không thể,Ngoại ơi,con không thể!

Ngoại đã thương con như trời như bể
Vầng trăng xưa bàng bạc,đìu hiu
Trời miền Trung khắc nghiệt bao nhiêu
Là bấy nhiêu nỗi khổ đời góa bụa...

Nhưng Ngoại ơi,xin hãy yên lòng
Chúng con giờ đã qua cơn bĩ cực
Vầng Thái dương hôm nay sáng rực
Như nguyện cầu của Ngoại năm xưa.

Ông trời khi nắng khi mưa
Chỉ mình Ngoại là người mơ ước
Cho chúng con thoát cảnh cơ hàn
Và chúng con ghi tạc đá vàng
Và chúng con vẫn hằng mơ ước
Và chúng con vẫn mong xin được
Rước hương hồn của Ngoại về thờ
Cho hương hồn Ngoại đỡ...bơ vơ.
            (Phạm đăng Quỳnh-viết nhân ngày tảo mộ Ngoại,mùa đông 2007)

NGHE CON VÀO ĐẠI HỌC

Nghe con vào đại học
Bách khoa đã mừng nay lại Y khoa
Biển ở đâu mà sóng cuộn trong lòng cha
Và trời đất chuyển một màu xanh ngắt.
 Cha nhìn thấy bỗng dưng trước mặt
Giữa mùa hè mà cây cối đơm hoa
Đường phố Sài gòn đông hẳn người qua
Và dưới đất rung lên hồi địa chấn...

Nghe con vào đại học
Nhớ lại hôm nào lều chõng đi thi
Cánh cổng vô tri lạnh lùng khép lại
Người cảnh binh im lặng,lầm lì.
Cha đứng ngoài nghe tim thình thịch đập
Như nhìn thấy con lã chã mồ hôi
Cha đếm thời gian nghe trong dạ bồi hồi
Như muốn được cùng con chia lửa.

Nghe con vào đại học
Mười hai năm sách đèn như vụt qua đi
Tuổi học trò gian khổ mùa thi
Từng đêm trắng miệt mài bên sách vở
Cổng trường đại học nay đã mở
Để đón con đến những giảng đường
Con ơi con, muôn vạn tình thương
Cha dành hết cho con-tất cả.
                (Phạm đăng Quỳnh)

VIẾT CHO QUYNHTRANG(tiếp theo)


Ai bảo em là “Quỳnh”
Cho lòng anh lưu luyến?
Anh biết cũng vì “Quỳnh”
Em “dạ phải ngẩn ngơ”.

Đêm nay anh làm thơ
Cho loài hoa “Quỳnh” nở
Xin em đừng than thở
Thu đến nhạt màu trăng.

Dù đôi bờ cách ngăn
Con thuyền tình vẫn đến
Em là bờ, là bến
Anh là nước,là sông.

Anh ôm em vào lòng
Mỗi mùa con nước nổi
Nhẹ nhàng cơn gió thổi
Hai đóa “Quỳnh”đưa hương.

Gió đi khắp bốn phương
Cho hương “Quỳnh” lan tỏa
Cho đôi “Quỳnh” thuê thỏa
Âu yếm trọn đêm nay.

Mơ ước cả ngày mai
“Nối lại ngàn say đắm”
Dù chân trời xa thẳm
Dù biển rộng sông dài…
(Phạm đăng Quỳnh)

VIẾT CHO QUYNHTRANG


Ta hỏi quynhtrang em ở đâu?
Chiều nay mưa trút,gợi bao sầu
Mưa giăng đầu núi,mưa,mưa xuống
Mưa khắp thị thành,em đang đâu?

Ta hỏi quynhtrang em là ai?
Nhập nhằng hoa bướm,gái hay trai?
Dáng em tha thướt nhưng đường bệ
Lập lòe đom đóm,em hay ai ?

Ta hỏi em rằng đó hay đây?
Quynhtrang là núi hay là mây?
Mây che đỉnh núi mờ mờ ảo
Núi lượn lờ mây,mây bay bay.

Ta hỏi em rằng gió hay mưa?
Quynhtrang đã thấu nỗi niềm chưa?
Mưa mang theo gió vô tình quá
Gió vẫn chờ mưa,mưa thấu chưa?

Ta hỏi quynhtrang em nơi nao?
Mấy ngày nay hoa héo nguyệt sầu
Trăng tròn như khuyết,mưa thành lệ
Phố bỗng thành sông,em nơi nao?

Ta hỏi quynhtrang em thương ai?
Nghiatrung.com lắm anh tài
Ngày xưa kiều nữ gieo cầu lẻ
Nay lắm anh hùng chắc chẳng hai!

Ta hỏi quynhtrang em đã yêu?
Đã từng mơ mộng những buổi chiều
Trăng lên,đêm xuống,hoàng hôn phủ
Mờ mịt sương giăng, ơi em yêu!

Ta hỏi quynhtrang em bao nhiêu?
Người thương kẻ nhớ nay đã nhiều
Ta ôm trong dạ ngàn dấu hỏi
Biết trả lời sao,em bao nhiêu???

Sài gòn chiều mưa 29/6/2010
Phạm đăng Quỳnh

NHỚ MIỀN TÂY


Anh đến với em một ngày rực nắng
Sông nước miền tây-tắm mát lòng anh
Cây trái xum xuê xanh một màu xanh
Làm ngây ngất,mê say chàng lữ thứ.
Người khách Sài gòn với nhiều tâm sự
Miên man trong đầu câu chuyện mưu sinh
Cửu long giang là cô gái đa tình
Hoa nhụy ngọt say sưa chàng bướm khách.

Anh yêu em như yêu từng con rạch
Từng con kênh cho đến những dòng sông
Anh yêu em như yêu từng ruộng lúa
Thơm mát làn da,thơm khói đốt đồng.

Anh nhớ lắm từng cây cầu khỉ
Anh sao quên những chiếc cầu treo
Tha thướt trong anh nhịp cầu Mỹ thuận
Chiếc cầu dài diễm lệ,yêu kiều...

Về miền tây nghe câu hò Đồng tháp
Thấy lòng mình dào dạt, bâng khuâng
Nghiêng nước nghiêng thành cô gái Nha mân
Chợt lữ khách cũng bồi hồi, ngây ngất.
Mộng qua rồi khách bàng hoàng tỉnh giấc
Người viễn du đến với con đò chiều
Bến sông Tiền vắng vẻ,đìu hiu
Khách lầm lủi,gió chiều nay lành lạnh.
Thương em lắm, em ơi phà Cao lãnh
Tình anh trao mai đến bắc An hòa
Làm sao quên bên kia Vàm cống
Đẹp lắm miền tây-những chuyến phà.

Anh thương em những con đò chợ Nổi
Những con đường dọc suốt bờ sông
Những cánh diều bay hờ hững trên không
Vẻ chân chất` của người Nam bộ.

Em ơi em ngày mai anh trở lại
Trời miền tây xanh lại càng xanh
Chỉ thấy thương người con gái Sài thành
Từng đêm vắng ôm nỗi buồn cô quạnh
           (Phạm đăng Quỳnh)

VỀ QUÊ

Có một ngày,một ngày đầu năm
Tôi trở về quê
Sau bao năm dài xa cách
Toàn cảnh quê hương hiện ra trước mặt
Tôi thẫn thờ-sự kỳ diệu đổi thay.

Tôi đứng trước ngôi trường xưa đã học
Thu Xà đây-Tư Nghĩa 1 là đây
Kỷ niệm tràn về
Nghe lòng man mác
Đâu biết trường nay đẹp thế này!

Chầm chậm bước,men theo đường quốc lộ
Tôi đi ngang"Thánh Thất Cao Đài"
Vẫn cứ uy nghi "La Hà Thạch Trận"
Bên cạnh phố phường ngàn vạn đổi thay.

Đây rồi Thạch Nham-công trình thế kỷ
Dòng nước xanh hứa hẹn mùa màng
Núi Hùm không dữ như ai nghĩ
Sông Bàu hiền hậu như Bàu Giang.

Nhưng chị cả vẫn sông Trà Khúc
Thùy mị,nết na trắng bãi cát dài
Dẫu có vấn vương anh chàng Thiên Bút
Không để tình Thiên Ấn phôi phai.

Tôi rảo bước trên con đường thành phố
Không ồn ào,vội vã như người ta
Không những lâu đài tráng lệ,nguy nga
Vẫn những nét riêng của người Quảng Ngãi.
Thành phố bây giờ thơ mộng về đêm
Ánh điện lung linh,thấp thoáng bờ kè
Trường Xuân soi bóng chân Trà Khúc
Mỹ trà tha thướt bên hàng tre.

Rồi tôi đến bên công trình Dung Quất
Tưởng tượng ngày mai thành phố Vạn Tường
Khu kinh tế đưa tỉnh nhà vươn tới
Nhà máy lọc dầu tô đẹp quê hương.

Quảng ngãi ơi bao năm chờ đợi
Và bây giờ cất cánh bay cao
Ôi tuyệt vời như giấc chiêm bao
Tôi yêu lắm sông Trà,núi Ấn.
(Phạm đăng Quỳnh)

NHỚ NGHĨA TRUNG

Ai về quê tôi đi qua cầu Phủ
Gió mát thênh thang đồng lúa An Hà
Cô gái Nghĩa trung má hồng ửng đỏ
Đi chợ Phiên không quản đường xa.
Nghĩa trung ơi!mười mấy năm qua
Vì sinh kế nên phải đành xa cách
Vì tương lai phải đương đầu,thử thách
Nên xa quê mà lòng cứ quặn đau.

Tháng bảy là tháng mưa ngâu
Chức Nữ Ngưu Lang qua cầu Ô Thước
Tháng bảy năm nay ruộng đồng ngập nước
Khi mùa sắp về chắc phải thiếu ăn?
Đêm qua xem đài khí tượng thủy văn
Gió bắc đã về,từng đêm giá rét
Em thơ đến trường,áo đâu đủ mặc?
Cụ già nằm co,sưởi ấm nồi than
Hết mưa lại bão,cây cối ngổn ngang
Con trâu về chuồng chắt chiu nắm cỏ.

Ôi tha thiết quê hương-nhớ ơi là nhớ
Nhớ ngày xưa bẻ mía ngồi nhai
Thơm mùi mía ngọt, bát chè hai
Nhớ từng bánh tráng,tô don nóng
Nhớ bún gạo chan nước cá ngừ...

Nhớ ngày xưa đuổi bướm hái hoa
Thong thả,ung dung đi bộ đến trường
Giờ phải bon chen khi làm người lớn
Tuổi tứ tuần,tóc đã màu sương.

Chúng tôi bán cuộc đời nơi đất khách
Lấy phù du trên nén bạc làm vui
Góp vinh quang làm rạng rỡ xứ người
Lòng đau đáu nghĩ thương về nguồn cội.
(Phạm đăng Quỳnh)

THƯƠNG VỀ ĐẤT MẸ!

Con đã về đây Quảng Ngãi ơi!

Hoa xuân khoe sắc rộn tiếng cười

Trà Giang Niêm Ấn đầy kiêu hãnh

Thiên Bút Phê Vân đẹp tuyệt vời.

Con đã đi và con đã xa

Đau lòng thương mảnh đất ông cha

Đêm đêm nhớ nhớ về quê mẹ

Cầu thực tha phương nhớ nhớ nhà.

Quê hương ơi! Ngày ấy ra đi

Đâu biết đến nay vẫn chưa về

Mười năm năm ấy như thế kỷ

Quên làm sao được buổi biệt ly!

Con ra đi khi đất nước hòa bình

Làm trai con vẫn chí bình sinh

Làng quê ngày đó nghèo xơ xác

Dứt ruột lìa quê, không dứt tình.

Hành phương Nam trăm bề tủi nhục

Đất khách quê người thiên hạ giàu sang

Đời xa xứ lắm điều ngược đãi

Ngẫm lại…Trời ơi! Lệ hai hàng!

Chốn thị thành phồn hoa xa lạ

Đất hẹp người đông không dễ chen chân

Đêm nằm nhớ tiếng gà gáy sáng

Hội nhập làm sao cứ phân vân???

Phương trời xa con hướng về Dung Quất

Khấp khởi mừng thầm nhà máy quê ta

Khu kinh tế tự hào muôn thưở

Như dòng sông đầy ắp phù sa.

Quê Mẹ ơi! Giờ đổi thay kì diệu

Em bé đến trường đường rộng thênh thang

Thành phố Quảng Ngãi vang câu hát

Khúc hát mừng xuân khúc khải hoàn.

Quay về đi những mảnh đời viễn xứ!

Cùng góp tay xây đất Mẹ phồn vinh

Dang tay ra từ Châu Ổ đến Sa Huỳnh

Chân quỳ xuống nguyện cầu cho đất Mẹ!!!

Phạm đăng Quỳnh